23.6.24

Top những tòa nhà đại học độc đáo nhất thế giới

 Kiến trúc đại học có thể khiến bạn nghĩ đến những tòa nhà cổ kính, nhưng những tòa nhà hiện đại, độc đáo trong khuôn viên các trường đại học dưới đây có thể khiến bạn bất ngờ.

1. Viện Khoa học Phân tử La Trobe: Viện Khoa học Phân tử La Trobe thuộc Đại học La Trobe (Australia), được khánh thành vào năm 2013. Thiết kế tòa nhà lấy cảm hứng từ chính những cấu trúc phân tử – lĩnh vực nghiên cứu chủ đạo diễn ra bên trong. Các cửa sổ của tòa nhà được thiết kế mô phỏng hình ảnh các nguyên tử liên kết hóa học. Các cột trụ viện lại có hình dạng chữ X và Y, tượng trưng cho nhiễm sắc thể. Ảnh: La Trobe University.


2. The Hive (Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore): The Hive gây ấn tượng với những khối cấu trúc hình tròn lấy cảm hứng từ tổ ong. Tuy nhiên, nhiều người cũng nhận thấy sự tương đồng thú vị của tòa nhà với những chiếc xửng đựng dim sum. Tòa nhà được thiết kế bởi Thomas Heatherwick và được tạo ra để phục vụ phương pháp giảng dạy “lớp học đảo ngược”. Theo đó, sinh viên sẽ xem trước các bài giảng trực tuyến, sau đó đến trường để tham gia các buổi thảo luận chuyên sâu về các chủ đề học tập. Ảnh: Supanut Arunoprayote.

Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore
Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore


3. Bảo tàng Nghệ thuật Weissman (Đại học Minnesota, Mỹ): Đây là một kiệt tác kiến trúc mang dấu ấn của Frank Gehry, người nổi tiếng với việc thiết kế bảo tàng Guggenheim ở Bilbao và cung hòa nhạc Walt Disney ở Los Angeles. Tòa nhà có 2 mặt. Một mặt được ốp bằng gạch, hài hòa với các công trình lịch sử xung quanh bảo tàng, dọc theo Đại lộ Northrop. Mặt còn lại được ốp bằng các tấm thép không gỉ với những đường cong và góc cạnh táo bạo. Ảnh: E-flux.

4. Trung tâm Thiết kế Sharp (Đại học Nghệ thuật và Thiết kế Ontario, Canada): Trung tâm Thiết kế Sharp được xây dựng vào năm 2004, là một trong những tòa nhà dễ nhận biết nhất của Toronto. Tòa nhà gây ấn tượng với thiết kế tựa chiếc bàn, lát gạch đen trắng, được nâng đỡ bởi 12 chân thép màu sắc rực rỡ. Vị trí của tòa nhà nằm ngay cạnh công trúc lâu đời nhất trong khuôn viên trường, tạo ra sự tương phản rất rõ ràng giữa hai phong cách kiến trúc. Ảnh: Archello.

5. Tòa nhà Kuggen (Đại học Gothenburg, Thuỵ Điển): Tòa nhà hình trụ màu đỏ tại Đại học Gothenburg sử dụng công nghệ xây dựng xanh mới nhất, là nơi đặt thư viện Chalmers và đào tạo chương trình thạc sĩ về thiết kế game của trường. Theo tiếng Thụy Điển, “kuggen” có nghĩa là “bánh răng cưa”, tượng trưng cho sự kết nối giữa lĩnh vực học thuật và các ngành truyền thông kỹ thuật số – vốn là những chuyên ngành được đào tạo và nghiên cứu trong tòa nhà. Ảnh: Pixels.

6. West Campus Union (Đại học Duke, Mỹ): Khi West Campus Union cần cải tạo, các kiến trúc sư không chỉ khôi phục thiết kế ban đầu của những năm 1920 mà còn làm nhiều hơn thế. Tòa nhà với cấu trúc “hộp kính” này kết nối giữa kiến trúc cổ kính và hiện đại, đóng vai trò như một cánh cổng giao thoa giữa phong cách Gothic của các tòa nhà chính trong khuôn viên đại học và không gian xã hội của sinh viên. Ảnh: Duke University.

7. The Diamond (Đại học Bangkok, Thái Lan): Lấy cảm hứng từ những viên kim cương chưa qua tinh luyện, tòa nhà The Diamond được thiết kế để thể hiện sứ mệnh của trường trong việc khai mở tiềm năng sáng tạo của sinh viên. Tòa nhà này đóng vai trò là cửa ngõ dẫn vào khuôn viên trường. Bên trong là không gian học tập thoáng mát, nhiều ánh sáng, cùng các phòng học, phòng thực hành và trung tâm ươm tạo phần mềm. Ảnh: Flickr.

8. Tòa nhà C13 (Đại học Khoa học và Công nghệ Wrocław, Ba Lan): Trung tâm sinh viên C13 có các cửa sổ hình tròn, bố trí theo cách ngẫu nhiên, khiến nó nổi bật so với các tòa nhà cổ điển xung quanh. Đó là một ví dụ về kiến trúc hiện đại của Ba Lan và là nơi yêu thích của sinh viên. Ảnh: C&C Partners.

9. Tòa nhà Arts West (Đại học Melbourne, Australia): Mặt tiền tòa nhà Arts West nổi bật với những “vây” kim loại. Khi nhìn từ xa, những tấm kim loại này tạo thành hình ảnh các đồ vật và tượng, được lựa chọn từ bộ sưu tập của trường. Bên trong tòa nhà là các phòng học đặc biệt được thiết kế riêng với hệ thống kiểm soát nhiệt độ và ánh sáng mặt trời. Điều này cho phép sinh viên có thể tiếp cận và nghiên cứu trực tiếp bộ sưu tập hiện vật cổ mà không gây hư hại cho chúng. Ảnh: University of Melbourne.

10. Trường Kinh doanh UTS (Đại học Công nghệ Sydney, Australia): Trường Kinh doanh UTS chính thức đi vào hoạt động từ năm 2015, là một công trình khác được thiết kế bởi Frank Gehry. Thiết kế táo bạo của tòa nhà đã thu hút nhiều sự chú ý và tranh luận. Kiến trúc với những khối uốn lượn màu nâu đất khiến nhiều nhà phê bình liên tưởng đến hình ảnh “một chiếc túi giấy nâu bị bóp méo”. Thậm chí, Thống đốc Toàn quyền Australia thời điểm đó – ông Peter Cosgrove – cũng phải lên tiếng nhận xét đây là “chiếc túi giấy nâu bị bóp méo đẹp nhất mà ông từng thấy”. Ảnh: UTS.

Nguồn: tapchikientruc.com.vn/ Theo Ngọc Bích (Biên dịch từ Times Higher Education)/ lifestyle.znews



Xem tiếp...

28.8.21

Những ngôi nhà con cái xây tặng bố mẹ

Không đơn thuần là nơi ở cho gia đình, nhà còn là món quà báo hiếu con cái tặng đấng sinh thành.

Đang ở Australia, người con gái vẫn tìm đến kiến trúc sư ở Việt Nam để nhờ thiết kế, xây cho bố mẹ căn nhà mới thay cho ngôi nhà cấp 4 cũ ở huyện Đông Triều (Quảng Ninh).

Các kiến trúc sư đã xây lại hoàn toàn căn nhà trên mảnh đất hơn 320 m2 . Thiết kế mới có hai tầng, lấy màu trắng làm chủ đạo và sử dụng những đường cong để công trình thêm mềm mại.


Những ngôi nhà con cái xây tặng bố mẹ - Ảnh 2.

Ngôi nhà hai tầng trên mảnh đất gần 3.000 m2 ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh) do người con làm kiến trúc sư thiết kế và xây tặng cho bố mẹ.

Nhà thiết kế theo dạng chữ L, được thiết kế từ bốn hướng, có tầm nhìn bao trọn cánh đồng lúa và khu vườn. Công trình sử dụng hình khối đơn giản, bên ngoài sơn màu ghi để dù bị rêu hay dính nước cũng không ảnh hưởng đến thẩm mỹ.


Những ngôi nhà con cái xây tặng bố mẹ - Ảnh 3.

Công trình ở xã Phú Thượng, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) dành cho ba thành viên: bố hơn 90 tuổi, mẹ gần 90 tuổi và con gái hơn 60 tuổi ngồi xe lăn.

Để tiện cho sinh hoạt của gia đình, người con gái cùng kiến trúc sư thống nhất làm nhà hai tầng không cầu thang, thay vào đó là một hệ thống ram dốc từ ngoài cổng vào sàn tầng một và từ tầng một lên tới tầng hai.


Những ngôi nhà con cái xây tặng bố mẹ - Ảnh 4.

Với mong muốn được sống cùng bố mẹ và con cái lớn lên bên ông bà, người con trai 8x cho xây căn nhà trên mảnh đất hơn 200 m2 ở Đà Nẵng.

Xuyên suốt toàn bộ ngôi nhà là các bộ cửa gỗ, trong đó bộ cửa ngoại thất nhìn ra khu vườn còn các cánh cửa nội thất hướng vào không gian sinh hoạt chung. Nhờ đó, các phòng đều đầy gió, nắng và kết nối với nhau.


Những ngôi nhà con cái xây tặng bố mẹ - Ảnh 5.

Sau 30 năm sửa xe và làm đồng nuôi gia đình, đôi vợ chồng ở Quảng Ngãi được các con báo hiếu bằng ngôi nhà mái đỏ trên diện tích đất 80 m2.

Dù các con đã trưởng thành và đủ khả năng lo cho bố mẹ, đôi vợ chồng vẫn thích sống ở làng quê, tiếp tục những công việc trước đây nên căn nhà được bố trí chỗ sửa xe đạp ở sân trước và vườn rau trên mái.


Những ngôi nhà con cái xây tặng bố mẹ - Ảnh 6.

Căn nhà 20 năm tuổi một phòng ngủ và một toilet của gia đình bốn người trên mảnh đất 4,7 x 31 m ở Tây Sơn (Bình Định) được người con trai học kiến trúc cải tạo cho bố mẹ.

Sau năm tháng thi công với tổng chi phí hơn 700 triệu đồng, ngôi nhà hai tầng mái lợp ngói hoàn thiện với ba phòng ngủ, hai toilet, một phòng khách, một bếp và một phòng thờ.


Những ngôi nhà con cái xây tặng bố mẹ - Ảnh 7.

Ngôi nhà nằm gần dòng sông An Lão là món quà người con trai đang làm ăn trên thành phố tặng bố mẹ ở quê nhà Bình Định. Đây cũng là chốn sum họp của con cháu, anh em, họ hàng mỗi khi cúng giỗ, xuân về.

Để tái hiện ký ức về mảnh đất và gia đình, khi thiết kế, kiến trúc sư đã cố gắng đưa vào công trình những dấu ấn của kiến trúc và nội thất truyền thống với mái dốc, lợp ngói, cửa gỗ.


Những ngôi nhà con cái xây tặng bố mẹ - Ảnh 8.

Ngôi nhà ở thị xã Hòa Thành (Tây Ninh) được một nữ nhiếp ảnh gia xây cho bố mẹ và các anh chị em. Tận dụng kích thước 7,5x30 m của khu đất, nhóm thiết kế đã tạo ra khu vườn xuyên suốt chiều dài công trình và bỏ đi lớp cửa giữa phần sân vườn với khu vực sinh hoạt để căn nhà thoáng mát và luôn mở ra không gian xanh.


Những ngôi nhà con cái xây tặng bố mẹ - Ảnh 9.

Nữ gia chủ ở quận Bình Tân (TP HCM) xây nhà rộng 190 m2 cho mẹ sau 30 năm bà sống trong căn nhà cũ xuống cấp. Người mẹ đã 70 tuổi, không thể leo cầu thang nên nhóm thiết kế bố trí chỗ ngủ của bà trên sofa giường (kéo ra thành giường, đẩy vào thành sofa) ở tầng trệt, đủ thoải mái, dễ xoay sở và gọi các con khi cần.

Những ngôi nhà con cái xây tặng bố mẹ - Ảnh 10.

Đôi vợ chồng trẻ có hai con nhỏ nhưng bận bịu đi làm nên thường nhờ bà nội và bà ngoại thay nhau lên thành phố trông cháu.

Để những người bà không cảm thấy xa lạ giữa thành phố lớn, ngôi nhà 100 m2 ở huyện Nhà Bè được thiết kế với tiêu chí thông thoáng, nhiều ánh sáng và cây xanh như ở quê.



Những ngôi nhà con cái xây tặng bố mẹ - Ảnh 11.

Việc cải tạo ngôi nhà 40 năm tuổi trên khu đất 100 m2 ở quận 5 do người con làm kiến trúc sư trong gia đình bảy thành viên chủ trì. Với mục tiêu tạo cảm giác thư giãn như resort nghỉ dưỡng, căn nhà được bố trí hồ nước, cây xanh và tận dụng tối đa nguồn năng lượng tự nhiên. Màu đỏ ở cổng, thang và mái tạo điểm nhấn cho côg trình.

Nguồn: VnExpress

Mọi nhu cầu về thiết kế, xây dựng nhà phố, biệt thự vui lòng liên hệ KTS HUỲNH VĂN VĨNH (SĐT: 0947_44_95_95)

Xem tiếp...

14.8.20

Nhà văn hóa Sinh Viên TP. HCM – Sáng tạo mới cho làng đại học


Nhà văn hoá sinh viên TP HCM – “Nhà Trắng của sinh viên” gây ấn tượng bởi thiết kế hình lục giác với 3.000 thanh lam bê tông nhẹ màu trắng bao quanh và giếng trời ở chính giữa toà nhà giúp công trình thông gió tốt, tận dụng ánh sáng tự nhiên mà không bị chói mắt.

Công trình có diện tích gần 40.000 m2, nằm trong khuôn viên của khu Đại học quốc gia TP HCM rộng 3,5 ha tại Dĩ An, do công ty GK Archi (Việt Nam) và Nihon Sekkei (Nhật Bản) thiết kế, được xem là một món quà tặng của UBND TP HCM cho sinh viên của Đại học quốc gia TP HCM. Công trình được khởi công từ năm 2014, khánh thành vào năm 2019 và đưa vào sử dụng từ năm 2020.


Thiết kế công trình hướng đến sự phát triển bền vững, hòa hợp với thiên nhiên. Những thanh lam bao quanh vừa là chi tiết tạo hình khối liên tục, vừa là hệ thống chắn nắng, cách nhiệt hiệu quả cho các không gian chức năng bên trong. Những thanh lam uốn lượn trên trên mặt đứng dường như giúp công trình trở nên mềm mại hơn. Hệ lam nhôm phía sau tạo khoảng trống để đối lưu không khí bên trong và ngoài công trình.

Khi bắt tay vào thiết kế, các kiến trúc sư đã nghiên cứu kỹ khí động học để tạo ra sự thông gió và ánh sáng tự nhiên cho toàn thể khối tích lớn của công trình bằng cách kết hợp hệ lam bao quanh bên ngoài cùng một ô giếng trời nằm ở giữa. Ngoài ra, trần của mỗi gian phòng đều có hệ thống dẫn gió để liên kết với các luồng khí nóng của bên trong khu vực giếng trời tạo nên những luồng không khí đối lưu chạy xuyên vào tận các ngõ ngách. Điều này đã đem lại cảm giác thoáng mát, dễ chịu cho sinh viên khi sử dụng công trình ngay cả trong những ngày hè oi bức. Nhà văn hóa sinh viên hầu như không cần đến hệ thống điều hòa không khí (chỉ lắp một số máy ở không gian kín như văn phòng, nhà hát, rạp chiếu phim).

Công trình được phát triển từ phương án đạt giải Nhất cuộc thi kế Nhà văn hóa sinh viên TP HCM tổ chức vào năm 2012, từ đó, GK Archi và Nihon Sekkei đã triển khai xây dựng một không gian tối ưu hóa các hoạt động văn hóa và thể thao cho các bạn sinh viên, với hy vọng tạo ra một môi trường hội tụ và gắn bó các bạn trẻ.

Công trình bao gồm nhiều không gian chức năng phục vụ các hoạt động văn hóa của sinh viên như: Rạp chiếu phim, khán phòng 900 chỗ, phòng hội thảo lớn, câu lạc bộ sinh hoạt, câu lạc bộ tư vấn, thư viện, khu vực truyền thống, khu vực sinh hoạt lớn, không gian phục vụ thể thao, giải trí.

Ngoài ra công trình còn có các không gian đa năng khác, đáp ứng hoạt động đa dạng, phong phú của sinh viên như khu Chợ Đêm mới với hơn 200 gian hang đầy đủ màu sắc được đặt trong khuôn viên Nhà văn hóa.

Khi công trình được hoàn thành vào năm 2020, bên cạnh các hoạt động văn hóa, nơi đây cũng là một trong những địa điểm tập trung sinh hoạt hàng tuần của các bạn trẻ. Nhà văn hóa sinh viên TP HCM đã trở thành điểm sống ảo, check-in yêu thích trên các mạng xã hội và diễn đàn của sinh viên nhờ kiến trúc biểu tượng rất dễ nhận biết và rất nhiều không gian rộng rãi, đa dạng.

Kiến trúc sư Nguyễn Trung Kiên đến từ công ty GK Archi, chủ trì thiết kế dự án, chia sẻ: “Với chúng tôi, điểm thành công của dự án là được các bạn sinh viên nơi đây đón nhận nhiệt tình sau thời gian dài thiếu không gian vui chơi, sinh hoạt bổ ích. Công trình đã góp phần tạo ra sự nhận biết rõ ràng hơn vị trí trung tâm trong khuôn viên Đại học quốc gia TP HCM, đặc biệt đã gây được ấn tượng với hình thức kiến trúc sinh thái thân thiện, cùng hệ thống thông gió tự nhiên xuyên suốt công trình.”

Một số hình ảnh khác của công trình:

Nguồn: © Tạp chí kiến trúc

>>Báo giá thiết kế nhà Đà Nẵng 2020

Xem tiếp...